Để sử dụng phân bón hiệu quả, tránh lãng phí, giúp cân đối dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Bà con cần nắm rõ phân bón là gì? các loại phân loại phân bón cho cây cần với lượng ít hay nhiều…bà con có thể tự mình tạo ra những công thức phân bón chuẩn hơn, áp dụng được cho nhiều loại cây trồng khác nhau. Cùng HoangphatJSC tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
1. Phân bón là gì?
Phân bón là các thành phần dinh dưỡng được con người cung cấp cho cây trồng thông qua rễ hoặc lá giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, nâng cao năng suất. Là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Trong phân bón chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Các chất dinh dưỡng chính trong phân là: đạm(N), lân(P), và kali(K). Ngoài các chất trên, còn có các nhóm nguyên tố vi lượng…
Phân bón được chia làm 3 nhóm chính: phân hữu cơ, phân hóa học (phân vô cơ) và phân vi sinh, với sự khác biệt lớn giữa chúng là nguồn gốc, chứ không phải là những sự khác biệt trong thành phần dinh dưỡng.
Các loại phân bón hữu cơ và một số loại phân bón khai thác vô cơ đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ, trong khi các loại phân bón hoá học tổng hợp vô cơ chỉ được phát triển mạnh từ thời cách mạng công nghiệp. Sự hiểu biết và sử dụng tốt các loại phân bón là những thành phần quan trọng của cuộc Cách mạng Nông nghiệp Anh tiền công nghiệp và cuộc cách mạng xanh công nghiệp ở thế kỷ XX.
Các loại phân bón thường cung cấp, theo các thành phần tỷ lệ khác nhau:
+ Ba chất dinh dưỡng cơ bản: nitơ, phốt pho, và kali.
+ Ba chất dinh dưỡng hàng hai như canxi(Ca), sulfur (S), magiê (Mg).
+ Các vi chất vi lượng: boron (Bo), clo (Cl), măngan (Mn), sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu)…
Các chất dinh dưỡng được tiêu thụ với số lượng lớn và hiện diện trong mô cây với các số lượng từ 0.2% đến 4.0% (theo cơ sở trọng lượng khô). Các vi chất dinh dưỡng được tiêu thụ với số lượng ít và hiện diện trong mô cây với các số lượng được đo đạc là vài phần triệu (ppm), trong khoảng từ 5 tới 200 ppm, hay chưa tới 0.02% trọng lượng khô.
2. Tác dụng của phân bón đối với cây trồng
Sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của cây trồng chịu tác động của rất nhiều yếu tố như đất đai, thời tiết, nước tưới, sâu bệnh, giống,… thì phân bón là một trong những yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định. Dưới đây là một số tác dụng của phân bón đối với cây trồng.
2.1 Tác dụng của phân bón với sự sinh trưởng của cây trồng
Phân bón cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng. Sử dụng phân bón cân đối hợp lý sẽ thúc đẩy các quá trình sinh trưởng của cây, đẻ nhánh, cành lá phát triển, thúc đẩy cây ra hoa nhiều và đồng loạt, tỷ lệ đậu quả cao. Tạo điều kiện rễ phát triển, rễ ăn sâu, rộng giúp hạn chế đổ ngã. Tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của cây trồng.
Ngoài việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết, phân bón còn tác động đến toàn bộ hệ sinh thái nông nghiệp. Phân bón thúc đẩy các quá trình như phân hủy, chuyển hóa các chất….tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, phân giải các chất khó hấp thu thành các chất dễ hấp thu, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe mạnh.
Nếu thiếu hụt phân bón cây trồng sẽ không phát triển hay phát triển kém. Cây còi cọc, khả năng đẻ nhánh thấp, cành lá ra ít, lá nhỏ, lá vàng, không ra hoa hoặc ra hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, bộ rễ kém phát triển, dễ bị sâu bệnh tấn công, khả năng chống chịu kém đối với các yếu tố bất lợi.
Xem thêm
Phân vi lượng là gì? Tác dụng của những loại phân vi lượng đối với cây trồng
Phân ure là gì? Vai trò “có một không hai” đối với cây trồng
2.2 Tác dụng của phân bón với năng suất của cây trồng
Một cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh tạo tiền đề cho một vụ mùa năng suất cao. Nên việc sử dụng phân bón đầy đủ cân đối để đạt năng suất cao nhất là rất quan trọng. Tuy nhiên, phân bón với cây trồng chỉ cần vừa đủ không được dư thừa hay thiếu.
Vậy nên cần nắm rõ nhu cầu của dinh dưỡng của từng giống cây, từng loại cây trồng. Nếu thừa hay thiếu đều có tác dụng ngược lại đều gây ảnh hưởng xấu. Cây trồng kém phát triển, không ra hoa hoặc ra hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, hiện tượng rụng hoa, trái non sinh lý nhiều, xảy ra hiện tượng năm được năm mất mùa giảm sút năng suất một cách nghiêm trọng.
Phân bón ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, quan trọng nhất là giai đoạn trước ra hoa và nuôi quả/trái. Giai đoạn này là thời kỳ quyết định đến số lượng và chất lượng ra hoa. Việc bón phân để cung cấp đủ các dưỡng chất vào giai đoạn này sẽ giúp cây ra hoa to, hoa nhiều, đồng loạt, khả năng đậu quả cao.
Giai đoạn cây nuôi trái/quả việc bón phân cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết sẽ thúc đẩy quá trình tích lũy các chất hữu cơ (tinh bột, protein, đường,…) giúp trái/quả to, nặng ký, trái đồng đều, kể cả với những loại giống tốt cũng chỉ đạt năng suất cao khi sử dụng phân bón cân đối, hợp lý.
2.3 Tác dụng của phân bón với phẩm chất/ chất lượng cây trồng
Phẩm chất, chất lượng của nông sản bao gồm các chỉ tiêu về hình thái, màu sắc, thành phần các chất dinh dưỡng, giá trị thương phẩm, trọng lượng,… và phân bón có tác động rất lớn tới phẩm chất, chất lượng của nông sản. Cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt thì mới có có khả năng cho năng suất cao, nông sản có chất lượng tốt.
Phẩm chất, chất lượng nông sản được quyết định bởi nhiều hợp chất hữu cơ. Mà những hợp chất hữu cơ đó được hình thành bởi các quá trình sinh hóa của cây trồng và phân bón có ảnh hưởng lớn rất tới các quá trình đó, quyết định đến hàm lượng, tính chất các chất hữu cơ và các loại men để xúc tiến các quá trình đó.
Phân bón chứa hàm lượng kali lớn có tác động rất nhiều tới chất lượng nông sản. Kali làm tăng hàm lượng đường, tinh bột trong nông sản. Kali còn làm màu sắc của nông sản đẹp hơn, tăng hương vị và thời gian bảo quản nông sản.
Phân bón chứa nhiều lân làm phẩm chất của nông sản tăng lên. Lân ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, đồng hóa các chất hữu cơ tích lũy trong hạt/củ/quả, tham gia qua trình tổng hợp các chất.
Phân bón chứa hàm lượng nitơ (đạm) lớn làm lượng protein chứa trong nông sản tăng lên, giảm lượng xenlulo.
3. Những nguyên nhân gây thất thoát phân bón
Phân bón giúp tăng năng suất cũng như chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, cây trồng không thể hấp thụ được toàn bộ phân sau khi bón gây ra hiện tượng thất thoát phân bón. Một số nguyên nhân dẫn tới việc thất thoát kể trên bao gồm:
– Bốc hơi: Phân bón bị bốc hơi do nhiều yếu tố tác động như phản ứng hóa học, nhiệt độ, vi sinh vật…Đặc biệt đối với phân bón lá.
– Rửa trôi: Thất thoát phân bón do bị rửa trôi là nguyên nhân phụ thuộc vào lượng mưa., kết cấu đất, địa hình và loại phân bón sử dụng.
– Bị giữ chặt: Đây là nguyên nhân ít thấy hơn do tác động giữ chặt của đất gây ra. Khi bón phân vào đất, phân có thể bị giữ chặt làm cây không thể hấp thụ được.
4. Tác động của phân bón đối với môi trường và con người
Nhờ phân bón, con người đã dần nâng cao phẩm chất và năng suất cây trồng, đem lại nguồn thu không nhỏ. Tuy nhiên, ngoài những tác dụng quan trọng không thể phủ nhận của phân bón đối với cây trồng, phân bón còn có ảnh hưởng nhất định đối với môi trường và con người. Đó là những ảnh hưởng dưới đây:
– Qúa lạm dụng phân bón sẽ gây dư thừa phân bón trong đất, đặc biệt là phân bón vô cơ. Các chất độc hại trong phân bón sẽ thấm vào đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm.
– Qúa trình sản xuất phân bón gây ô nhiễm, đặc biệt là khu vực quanh nhà máy sản xuất. Do công nghệ chế biến thô sơ, không có hệ thống xử lý chất thải, các chất thải từ sản xuất phân bón gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
– Bón phân vô cơ quá nhiều gây thoái hóa đất.
Việc sử dụng phân bón mang tính chất “2 lưỡi”. Bà con cần chú ý sử dụng đúng cách mà đúng mục đích để hiệu quả của phân bón được phát huy tốt nhất.
Như vậy, Hoàng phát JSC đã giúp bà con có câu trả lời chi tiết nhất cho câu hỏi phân bón là gì? và các tác dụng của phân bón với cây trồng sẽ giúp bà con có đủ kiến thức để từ đó tự mình đưa ra những công thức bón phân riêng và phù hợp với các loại cây trồng. Để cung cấp đầy đủ và cân đối các loại dưỡng chất cần thiết cho cây trồng, không những tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, khỏe mạnh mà còn giúp nâng cao năng suất và chất lượng của cây trồng.